Bạn đang ở đây

Phổ cập Trung học cơ sở là một mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Phát triển giáo dục 2001-2010, và trong Luật Giáo dục năm 2005. Cấp THCS cũng là một trong số các nhóm mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia “Giáo dục cho mọi người” cho giai đoạn 2003-2015.

Phù hợp với các chiến lược chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nâng cao chất lượng giáo dục, trong giai đoạn 2008-2013 VVOB sẽ tập trung nâng cao năng lực ở mảng quản lý giáo dục, đào tạo giáo viên và sự tham gia của cộng đồng vào công tác giáo dục, đặc biệt thông qua các phương pháp Dạy học tích cực (DHTC) bằng một số phương tiện là Giáo dục môi trường (GDMT) và Công nghệ Thông tin (CNTT). GDMT và CNTT là những tác nhân tuyệt vời để thúc đẩy DHTC. Chương trình VVOB cũng sẽ gián tiếp góp phần vào xây dựng phần nội dung địa phương trong chương trình giảng dạy.

Mục tiêu

Mục tiêu cụ thể (2011- 2013)

Các Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GDĐT), các trường Đại học/ Cao đẳng sư phạm (ĐH/CĐSP) và các tổ chức đoàn thể (TCĐT) của 5 tỉnh có đủ năng lực để cùng nhau thúc đẩy và hỗ trợ việc sử dụng và thể chế hóa DHTC ở trường Trung học cơ sở để cải thiện chất lượng giáo dục trong khuôn khổ phong trào trường học tích cực.

Các kết quả trung gian

  • Các Sở GDĐT hỗ trợ việc áp dụng DHTC ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp trường;
  • Các trường ĐH/CĐSP đào tạo ra các giáo viên có thể áp dụng DHTC (trong GDMT và những môn khác, bao gồm cả CNTT cho dạy và học);
  • Các TCĐT thúc đẩy/hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng vào giáo dục, chú trọng đến DHTC.

Hợp phần Quản lý Giáo dục

Nhằm đổi mới quản lí giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phân cấp quản lí mạnh mẽ hơn, tăng cường sự tự chủ và trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và các đơn vị đào tạo để có thể kịp thời giải quyết và ngăn chặn những tình huống khó khăn. Do đó, các nhà quản lí giáo dục ở các cấp cũng cần được tập huấn về những năng lực mới như năng lực lập kế hoạch, tổ chức, quản trị nhân sự và quản lí tài chính…

Trong năm 2009, VVOB hỗ trợ Học viện Quản lí Giáo dục tập huấn khoảng 300 hiệu trưởng về các chủ đề quản lí giáo dục. VVOB cũng khuyến khích giảng viên của Học viện Quản lí giáo dục áp dụng những nguyên tắc DHTC trong quá trình tập huấn.

Trong năm 2010, Hợp phần Quản lí Giáo dục đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ tập huấn năng lực của 5 Sở GD&ĐT (Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi). VVOB tập huấn một số giảng viên từ mỗi tỉnh (nhóm nòng cốt) để họ giảng dạy về các chủ đề được Sở lựa chọn, cụ thể là

  • Ứng dụng CNTT cho DHTC
  • Đổi mới Đánh giá
  • DHTC cho hiệu trưởng trường THCS
  • Kĩ năng mềm cho cán bộ quản lý nhà trường

Sau khóa tập huấn, các nhóm nòng cốt sẽ tập huấn nhân rộng tại từng tỉnh với sự hỗ trợ của VVOB.

Cũng trong năm 2010, VVOB đã tạo điều kiện cho 300 hiệu trưởng tham quan các trường điển hình ở các tỉnh khác (Quảng Ninh và Nghệ An) với mục đích học tập và trao đổi kinh nghiệm. Trong chuyến tham quan học tập, các hiệu trưởng còn có cơ hội tham gia hội thảo về “DHTC cho hiệu trưởng trưởng THCS” do các giảng viên Học viện quản lí giáo dục tổ chức.

Trong năm 2011, VVOB và các Sở tiếp tục mở rộng hoạt động tập huấn. Các chủ đề về phương pháp giảng dạy sẽ được nhân rộng không chỉ tới cán bộ quản lý nhà trường mà sẽ được nhân rộng tới giáo viên THCS tại 5 tỉnh. Cán bộ và giáo viên cũng sẽ có cơ hội tiếp cận tài liệu giảng dạy và tham khảo một cách thuận tiện hơn thông qua các Trung tâm học liệu mở hiện đang được các Sở GD-ĐT phát triển/nâng cấp với sự hỗ trợ của VVOB.

Hợp phần Đào tạo Giáo viên

Chương trình Đào tạo Giáo viên hướng tới việc nâng cao chất lượng dạy và học ở cấp trung học cơ sở tại 5 tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam (Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi) thông qua việc hỗ trợ thúc đẩy Dạy học tích cực.

Giáo dục Môi trường và Công nghệ Thông tin là những công cụ chính để thúc đẩy quá trình Dạy học tích cực. Các cách tiếp cận và phương pháp giảng dạy đổi mới, tích hợp và dựa trên nền tảng những bài học tốt và ví dụ hay trước đó về Giáo dục Môi trường và Công nghệ Thông tin, đang dần trở thành tâm điểm của chương trình đào tạo giáo viên trong ngắn hạn và trung hạn.

Chương trình của VVOB đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuyển từ phương pháp dạy học lấy người dạy làm trung tâm sang phương pháp dạy học chú trọng vào người học hơn, trong đó, thầy cô giáo trở thành người dẫn dắt quá trình còn sinh viên đóng vai trò chủ động và tích cực trong quá trình học tập. Đây cũng là một trong những tiêu điểm trong phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi xướng năm 2008.

VVOB hỗ trợ các trường CĐ/ĐH SP tại năm tỉnh trong việc điều chỉnh cách đào tạo, đảm bảo sinh viên có được năng lực cần thiết để trở thành những thầy cô dạy học theo cách tích cực, lấy người học làm trung tâm. Đồng thời, VVOB cũng hỗ trợ các trường trong việc phát triển tài liệu cho dạy học tích cực. Công nghệ Thông tin và Giáo dục Môi trường được coi là phương tiện thích hợp để khởi động quá trình này.

Phương pháp giảng dạy và giáo dục môi trường

Theo chính sách và Kế hoạch Hành động phát triển Giáo dục Môi trường ở Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra năm 2002, VVOB cùng các giảng viên xây dựng năng lực để tích hợp Giáo dục Môi trường vào các giờ học và hoạt động ngoại khóa, phát triển tài liệu học tập và tiến hành nghiên cứu. Một phần trong chương trình này là cung cấp cho giảng viên những kiến thức riêng biệt về Giáo dục Môi trường trong những hoạt động khác nhau liên quan đến Giáo dục Môi trường. Việc sử dụng các cách tiếp cận và phương pháp dạy học tích cực như Dạy học nêu và giải quyết vấn đề là tâm điểm của các hoạt động xoay quanh Giáo dục Môi trường. Các hoạt động Giáo dục Môi trường được coi là phương tiện để thúc đẩy việc sử dụng những phương pháp và cách tiếp cận này.

Để đảm bảo nhiều giảng viên và sinh viên nhất có thể được lợi từ dự án này, VVOB còn hỗ trợ các hoạt động nằm ngoài khuôn khổ Giáo dục Môi trường. Hiện tại, các chuyên gia, phối hợp với nhóm các giảng viên nòng cốt về phương pháp giảng dạy của 5 trường, đang phát triển các mô đun chuyên sâu về các phương pháp dạy học cụ thể. Trong tương lai, những kết quả thu được về cách tiếp cận và phương pháp dạy học đổi mới cũng sẽ được giới thiệu trong mảng bồi dưỡng giáo viên.

Ứng dụng Công nghệ Thông tin

Tích hợp công nghệ thông tin(CNTT) được kì vọng sẽ mang đến một sự thay đổi lớn trong lĩnh vực giảng dạy. Các nhà giáo dục ở khắp nơi trên thế giới đánh giá rất cao tiềm năng của CNTT trong việc dạy học một cách linh động hơn, thú vị hơn và lấy học sinh làm trung tâm. Tại Việt Nam, tích hợp CNTT vào giảng dạy ngày nay đã được coi là một công cụ hiệu quả có thể hỗ trợ đổi mới phong cách giảng dạy, học tập và quản lí giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục(Bộ GD & ĐT, Chỉ thị 55, 2008). Tuy nhiên, có một khoảng cách không nhỏ giữa chính sách và thực tế trong giáo dục ở Việt Nam. Trong thực tế, việc sử dụng CNTT trong giảng dạy vẫn còn rất hạn chế: giáo viên Việt Nam sử dụng công nghệ thông tin chỉ đơn thuần như một công cụ làm cho việc giảng dạy dễ dàng hơn, như là một sự thay đổi cho cách dạy học truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm (nghiên cứu cơ bản của VVOB năm 2008). Những yếu tố quan trọng tác động đến sự hấp thụ CNTT vào lĩnh vực giảng dạy bao gồm sự tiếp cận, kỹ năng và sự tự tin, cũng như thái độ đối với CNTT và nhận thức về việc giáo dục học sinh. Trong hợp phần đào tạo CNTT cho giáo viên, chúng tôi tổ chức một loạt những hội thảo và khóa học ngắn hạn hướng đến những yếu tố khác nhau của việc tích hợp CNTT. Dần dần các phương thức và mô hình sử dụng CNTT cũng sẽ được đưa vào đào tạo cho giáo viên tại chức.

Hợp phần Sự tham gia của cộng đồng

Giới thiệu

Một trong bảy chiến lược của Bộ Giáo dục & Đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Xã hội hóa giáo dục là tạo điều kiện cho mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp có cơ hội học tập như nhau, không phân biệt giàu nghèo, giai tầng hay tôn giáo, vùng miền.

Xã hội hóa giáo dục không chỉ đơn giản là huy động nguồn vốn đầu tư mà còn là sự tham gia của cả cộng đồng trong việc phát triển giáo dục. Điều đó đồng nghĩa với việc cộng đồng và nhà trường cần có mối quan hệ khăng khít, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau.

Mục tiêu

Mục tiêu chính của Hợp phần Sự tham gia cộng đồng là hỗ trợ tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và cộng đồng (bao gồm các tổ chức đoàn thể và gia đình) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đổi mới phương pháp hướng tới dạy và học tích cực.

Đối tác chiến lược

Hội LHPN các tỉnh có chương trình: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi

Phương pháp tiếp cận

  • Xác định vai trò và trách nhiệm của Hội LHPN trong việc tăng cường mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng.
  • Hỗ trợ kĩ thuật về cơ chế phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể để hỗ trợ trường học.
  • Chuyển đổi cách thức tổ chức hoạt động bồi dưỡng, xây dựng năng lực cán bộ của Hội LHPN theo hướng dạy và học tích cực.