Bạn đang ở đây

06/09/2013

Ngày 22 và 23 tháng 8 năm 2013, VVOB Việt Nam cùng một số đối tác trong lĩnh vực giáo dục như Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), Học viện Quản lý Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội, UNESCO và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế như ChildFund, Oxfam Anh, Plan International và Hiệp hội Giáo dục cho mọi người đồng tổ chức hội thảo cấp quốc gia về chất lượng giáo dục.

Hội nghị với chủ đề “Hướng tới xã hội học tập: Hỗ trợ chất lượng dạy và học tại Việt Nam" thu hút 237 người tham dự (61% người tham dự là nữ, trong đó có nhiều cán bộ hoạch định chính sách cấp tỉnh/thành phố và trung ương, các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên, các nhà nghiên cứu, đại diện một số tổ chức chuyên môn, chính trị, xã hội và một số tổ chức đoàn thể cũng như một số đối tác phát triển.) Ngoài ra, hội nghị đã thu hút sự quan tâm của các phương tiện truyền thông đại chúng với 46 nhà báo đến từ 28 cơ quan báo chí, 5 đài truyền hình và 1 đài phát thanh tới tham dự sự kiện.

50 bài trình bày tại hội nghị (62% trong số đó là của các diễn giả nữ) đã đề cập tới những khía cạnh khác nhau của chất lượng giáo dục nhìn từ các góc độ học sinh, giáo viên, cán bộ quản lí, cha mẹ học sinh và cộng đồng. Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam và bà Ushio Miura, chuyên gia chương trình, Ban Chính sách và Đổi mới Giáo dục, UNESCO Bangkok, trình bày bài phát biểu cấp quốc gia và khu vực tại hội thảo. Các diễn giả chính nhìn nhận chất lượng giáo dục là một khái niệm đa chiều, cần được giải quyết bằng một phương pháp tiếp cận có hệ thống với những chính sách giáo dục toàn diện.

Dựa trên các phiên thảo luận theo từng chủ đề, một số phát hiện chính và các đề xuất chính sách đã được đưa ra theo mỗi góc độ được đề cập. Các kết quả theo từng chủ đề này bao gồm:

  • (i) Tăng cường tính tích cực và chủ động của học sinh, tập trung vào kĩ năng tự học, kĩ năng giải quyết vấn đề và suy luận sáng tạo đồng thời vẫn đảm bảo hỗ trợ những học sinh thiệt thòi, dễ bị tổn thương trong học tập;  
  • (ii) Đảm bảo công tác đào tạo giáo viên và phát triển chuyên môn thông qua phát triển cộng đồng giáo viên thực hành, nghiên cứu sư phạm ứng dụng, áp dụng CNTT, các sáng kiến đổi mới phương pháp; thông qua các buổi họp  chuyên môn; tăng cường mối liên kết giữa học sinh, giáo viên và nhà trường bằng việc tăng thời lượng thực hành sư phạm và đưa các tiết thực hành sư phạm vào chương trình sớm hơn; hỗ trợ giáo viên vùng dân tộc thiểu số trong công tác giáo dục hòa nhập dựa trên quyền trẻ em và đáp ứng nhu cầu học không chính qui trong công tác đào tạo giáo viên; 
  • (iii) Đảm công tác bảo quản lí giáo dục thông qua các sáng kiến đổi mới trong bồi dưỡng giáo viên theo hướng hiện đại hóa và thích hợp hơn; tăng cường giám sát và đánh giá việc hỗ trợ học sinh nghèo, thiệt thòi tiếp cận giáo dục; khuyến khích và áp dụng các nghiên cứu về lí thuyết cũng như áp dụng các điển hình tích cực mang tính sáng tạo trong công tác quản lí phát triển chuyên môn; và
  • (iv) Tăng cường mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội cũng như các nguồn thông tin hỗ trợ kĩ năng làm cha mẹ; tăng cường các hoạt động cộng đồng; phong phú hóa nội dung và phương thức cho các dịch vụ giáo dục dựa vào cộng đồng để phù hợp với nhu cầu và bối cảnh của địa phương.

Sau phần tổng kết các chủ đề của các phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra một số ý kiến phản hồi và bổ sung một số khuyến nghị liên quan tới việc tăng cường chất lượng giáo dục tại Việt Nam trong phiên “gặt hái” sau cùng của hội thảo. Thứ trưởng nhấn mạnh:

  • (i) học sinh cần trở thành những công dân toàn diện, những người có thể hỗ trợ công cuộc công nghiệp hóa và phát triển đất nước. Do đó, hệ thống giáo dục cần nhấn mạnh đến năng lực của học sinh và khả năng tự học của các em. Điều này cần được thể hiện qua những bộ sách giáo khoa khuyến khích sự sáng tạo với những lưu tâm cụ thể tới nhu cầu của trẻ em thiệt thòi;
  • (ii) cần có những cách khuyến khích giáo viên không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, được thể hiện trong chế độ đãi ngộ, vốn là một phần trong đề án mới về cải cách giáo dục; cần có nhiều hoạt động tương tác giữa các cộng đồng giáo viên và tăng cường thời lượng thực tập cho sinh viên sư phạm. Trong khi đó, với công tác bồi dưỡng giáo viên, các khóa e-learning đầu tiên đã được tải lên mạng như một công cụ quan trọng tăng cường tính hiệu quả của công tác phát triển chuyên môn cho giáo viên;
  • (iii) các cấp quản lí cần phân quyền và tập trung vào đảm bảo chất lượng; và
  • (iv) trường học cần đóng vai trò thúc đẩy, xúc tác, làm cầu nối giữa gia đình vốn là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ với xã hội. Đồng thời, giáo dục kỹ năng làm cha mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng và việc học tập của cộng đồng có thể được củng cố tốt hơn tại cấp địa phương bằng việc cải thiện các chương trình của các trung tâm kĩ thuật và hướng nghiệp tổng hợp, các trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Thứ trưởng cũng khẳng định rằng các phát hiện và khuyến nghị chính của hội thảo sẽ được chuyển tới Ủy ban Cải cách Giáo dục. Đồng thời các ý kiến cụ thể sẽ được các Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT xem xét. Tiếp sau hội thảo, VVOB Việt Nam sẽ cùng các đơn vị đồng tổ chức tập hợp các phát hiện chính và các khuyến nghị chính sách trình lên lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Cuối cùng, VVOB Việt Nam chân thành cảm ơn tất cả đơn vị đồng tổ chức, đặc biệt là Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Cơ sở Giáo dục về tất cả những đóng góp và nỗ lực hợp tác để hội thảo thành công tốt đẹp, tạo ra một diễn đàn để chia sẻ các bài học kinh nghiệm và những điển hình tích cực trong công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục cũng như đã đưa ra những khuyến nghị quan trọng về chính sách để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam.