Bạn đang ở đây

25/07/2013

Công tác hướng nghiệp trong chương trình giáo dục trung học tại Việt Nam được thực hiện qua 2 hướng: (1) Giáo dục hướng nghiệp: tập trung vào công tác hướng nghiệp qua một số giờ hướng nghiệp và hoạt động ngoài giờ lên lớp; và (2) Thông tin và kĩ năng về nghề được cung cấp thông qua một phần của môn Công nghệ và các tiết giáo dục nghề phổ thông.). Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, hoạt động giáo dục nghề phổ thông (GDNPT) nhằm mục tiêu trang bị cho học sinh những kiến thức, kĩ năng lao động cần thiết và tạo điều kiện cho học sinh củng cố nội dung lí thuyết, vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học được từ môn Công nghệ vào thực tiễn đời sống và sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tin học. Thông qua GDNPT, học sinh được thử nghiệm các nghề giúp định hướng nghề nghiệp và dần dần đi vào đời sống lao động.

Theo kế hoạch năm 2013, ngày 6 tháng 7 năm 2013 tổ chức VVOB Việt Nam cùng với Sở GD&ĐT hai tỉnh Quảng Nam và Nghệ An đã tổ chức hội thảo xây dựng khung công việc cải thiện hoạt động nghề phổ thông theo cách tiếp cận hướng nghiệp lấy học sinh làm trung tâm với những mục tiêu sau:

  • Thống nhất quan điểm về công tác hướng nghiệp thông qua HĐGDNPT;
  • Phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của HĐGDNPT trong việc hướng nghiệp cho học sinh;
  • Xác định các hoạt động cụ thể để cải thiện HĐGDNPT.

32 cán bộ quản lý từ hai Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT, TT KTTH-HN và và giáo viên dạy NPT ở các trường trung học của hai tỉnh Nghệ An và Quảng Nam đã tham dự hội thảo. Các đại biểu đã chia sẻ và phản hồi các ý tưởng của mình thông qua trò chơi ráp hình Lego. Bên cạnh các phần thảo luận, tư vấn đã trình bày về tình hình thực tế tại hai tỉnh về HĐGDNPT theo cách tiếp cận hướng nghiệp lấy học sinh làm trung tâm, kinh nghiệm về GDNPT ở New Zealand và các lý thuyết hướng nghiệp liên quan đến GDNPT. Căn cứ vào kiến thức thêm này các đại biểu cho phản hồi về:

  • nội dung của tài liệu HĐGDNPT và
  • lợi thế và bất lợi của những thay đổi trong HĐGDNPT.

Các đại biểu đều thống nhất rằng cần có sự bổ sung các lý thuyết và cách tiếp cận về hướng nghiệp trong việc thực hiện HĐGDNPT. Có 5 yếu tố sau đây cần lưu ý đến

  1. Tài liệu GDNPT bao gồm nội dung về hướng nghiệp;
  2. Năng lực hướng nghiệp của giáo viên dạy NPT;
  3. Chỉ đạo, giám sát và đánh giá từ cấp cao hơn về việc thực hiện GDNPT;
  4. Yêu cầu về năng lực  hướng nghiệp của học sinh sau khi được học NPT;
  5. Những hiểu biết đúng đắn của GV, PH và HS về mục đích của HĐGDNPT. Hội thảo cũng đưa ra đề xuất các yếu tố quan trọng của HĐGDNPT hiệu quả và những yêu cầu để sửa đổi một NPT.