Bạn đang ở đây

05/06/2017

Bạn có nhớ mình rời trường mầm non để bắt đầu đi học lớp Một là khi nào không? Bạn có còn nhớ ngày đầu tiên đi học của mình? Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Từ năm 2014 đến 2016, VVOB đã hỗ trợ các đối tác giáo dục của Việt Nam trong việc giúp đỡ trẻ em tại các huyện khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp này. Dựa trên thành công của cách tiếp cận này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhân rộng nội dung này ra toàn quốc trong các năm 2016 và 2017. 

Giai đoạn chuyển tiếp trong bối cảnh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, giáo dục tiểu học thường được xem là điểm xuất phát của chương trình giáo dục chính thức, với những kỳ vọng cao của cả giáo viên lẫn phụ huynh đặt lên trẻ. Việc tham gia vào một môi trường học tập hoàn toàn mới với phương pháp giáo dục khác là một thời điểm nhạy cảm đối với trẻ em, có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển sau này của trẻ. Cha mẹ trẻ, các thầy cô giáo và lãnh đạo nhà trường đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ vượt qua những thử thách mới này. 

Phát triển năng lực cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường

Từ tháng 5/2014 đến tháng 12/2016, VVOB đã làm việc với các Sở và Phòng GD&ĐT các huyện khó khăn thuộc bốn tỉnh của Việt Nam (Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thái Nguyên), thông qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đơn vị này để họ có thể hỗ trợ giáo viên và lãnh đạo nhà trường, những bên liên quan trực tiếp đến  giai đoạn chuyển tiếp của trẻ. Qua 2 năm thực hiện với các khóa tập huấn, hội thảo, hướng dẫn, học tập, thu hoạch và chia sẻ kinh nghiệm, đã có thể nhìn thấy những thay đổi tại nhiều trường trong các huyện nói trên.

Coi trọng sự đa dạng ở huyện Tân Kỳ và Trà Bồng

Điều đáng lưu ý là, tại huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) và Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) – hai trong số những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của Việt Nam, các giáo viên và lãnh đạo trường mầm non và tiểu học dần dần đã có sự phối hợp và kết nối nhiều hơn với cha mẹ học sinh.

Ở Tân Kỳ, nơi có khoảng 80% dân số là người dân tộc thiểu số, các cán bộ giáo dục đã nhân rộng khóa tập huấn quản lý sự thay đổi nhằm hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp đến tất cả cán bộ quản lý trường mầm non và tiểu học trong toàn huyện. Tiếp theo, lãnh đạo nhà trường chia sẻ những kiến thức học được với các giáo viên trong trường, đồng thời Phòng GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn chính thức để các trường thực hiện các bước tiếp theo. Trong năm 2015 và 2016, các trường đã cùng nhau tổ chức các hoạt động, chia sẻ những thực hành tốt. Ví dụ, để làm nổi bật hơn việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp, công tác bàn giao trẻ từ mầm non lên tiểu học được thay đổi theo hướng bớt tính hình thức, trẻ mầm non được tổ chức tham quan trường tiểu học vào tháng cuối của lớp mầm non.

Ngoài việc tổ chức các hoạt động tương tự, huyện Trà Bồng – với 80% dân số là dân tộc thiểu số – đã triển khai những cách thức chuyển giao rất thú vị nhằm tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa cha mẹ/người chăm sóc và nhà trường. Cùng với các tình nguyện viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ, họ đã tổ chức các buổi sinh hoạt về nội dung cha mẹ hỗ trợ con trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học. 

Giai đoạn chuyển tiếp suôn sẻ cho mọi trẻ em Việt nam

Trong hơn 3 năm qua, sự phối hợp giữa các trường mầm non và tiểu học đã giúp tăng cường sự hiểu biết chung và tôn trọng lẫn nhau. Các trường tham gia vào chương trình đã dần nâng cao sự phối kết hợp, kết nối các hoạt động trong lớp học. Cùng với việc các trường học tập kinh nghiệm lẫn nhau và kết nối với cha mẹ trẻ, trong giai đoạn chuyển tiếp, trẻ mầm non đã chuyển dần từ việc cảm thấy căng thẳng, lo lắng đến cảm giác an toàn, được quan tâm và hỗ trợ hơn. Các em tỏ ra tự tin và độc lập hơn khi bước vào trường tiểu học. Dựa trên cách tiếp cận thành công của VVOB tại 4 tỉnh trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhân rộng nội dung trên ra phạm vi toàn quốc trong các năm 2016 và 2017.

_____

Một bài viết dài 3 trang đã được đăng tải trên trang web của Mạng lưới phát triển trẻ thơ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ARNEC Connections) có tựa đề Cùng hợp tác để hỗ trợ trẻ em Việt Nam phát triển toàn diện – số 11 (2016) (bằng tiếng Anh)