Bạn đang ở đây

Chương trình Khuyến nông có sự tham gia (PAEX) bắt đầu từ năm 2008, tiếp nối hai dự án trước đó trong giai đoạn 2001- 2007.

Theo định hướng của quốc gia (Nghị định 56 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tư số 60 về Khuyến nông), chương trình PAEX góp phần xây dựng một hệ thống khuyến nông dựa trên nhu cầu của nông dân. Nông dân và cán bộ khuyến nông cần có kĩ năng để thực hiện vai trò của mình trong hệ thống khuyến nông theo nhu cầu chính đáng này. Để hỗ trợ cho sự phát triển chung này, chúng tôi đã hợp tác với Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân tại 5 tỉnh phía Nam Việt Nam.

Vì nhiều lý do khác nhau, khuyến nông ở Việt Nam chủ yếu là định hướng từ trên xuống. Thông thường các chủ đề chưa được đáp ứng ngay các nhu cầu cấp thiết của người dân, hoặc chưa thích hợp với các điều kiện canh tác và nguồn lực của nông dân. Chương trình muốn góp phần xây dựng một hệ thống khuyến nông dựa nhiều hơn vào nhu cầu của nông dân, đúng theo các chính sách khuyến nông (Nghị định 56, nghị định 02/2010/ND-CP, thông tư 60 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Rất nhiều nhà quan sát và các bên tham gia chương trình đều nhất trí rằng các kĩ năng về kỹ thuật khuyến nông hiện tại là khá tốt. Do đó, ý tưởng chính của chương trình này là củng cố và nâng cao các kỹ năng về phương pháp để có thể giúp tạo nên một hệ thống khuyến nông hiệu quả hơn. Mục tiêu chính của chương trình là nâng cao năng lực cho các cán bộ khuyến nông và các Câu lạc bộ nông dân. Để thực hiện được mục tiêu này một cách bền vững, một mặt chương trình sẽ xây dựng tài liệu và một hệ thống đào tạo liên tục, và mặt khác vận động thể chế hóa các nguyên lý khuyến nông có sự tham gia ở hệ thống khuyến nông tỉnh (ở cấp quản lý của Trung tâm khuyến nông (TTKN) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NNPTNN)).

Để lồng ghép phương pháp có sự tham gia trong hệ thống khuyến nông, sự hỗ trợ của cấp quản lý (Sở NN&PTNT và TTKN) rõ ràng là rất cần thiết để ủng hộ và sử dụng phương pháp này trong hệ thống khuyến nông.

Khuyến nông được đề cập đến như trách nhiệm của tất cả các thành phần trong xã hội. Do đó, bức tranh về khuyến nông rất đa dạng và các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân và Hội Phụ nữ muốn lồng ghép các công tác khuyến nông vào trong các hoạt động của mình, bởi vì một trong các nhiệm vụ chính của họ là giúp đỡ các thành viên gia tăng thu nhập và giảm nghèo. Chương trình có các hoạt động cho cấp quản lý của các tổ chức đoàn thể mặc dù trên thực tế sự tham gia vào khuyến nông của họ là hạn chế nhưng họ có vai trò thúc đẩy ứng dụng các phương pháp này.

Chỉ số chính về tính bền vững của chương trình là một kế hoạch tổng thể cho sự lồng ghép và thể chế hóa các kết quả đạt được vào hệ thống khuyến nông cấp tỉnh, mặc dù mỗi tỉnh có những quan niệm riêng về khuyến nông: nhu cầu, nguồn lực, khả năng, tầm nhìn, vv.

Mục tiêu cụ thể (2011-2012)

Sở NNPTNN, TTKN và các tổ chức đoàn thể của năm tỉnh có khả năng cùng nhau thúc đẩy và hỗ trợ việc áp dụng và thể chế hóa các phương pháp có sự tham gia trong khuyến nông nhằm nâng cao chất lượng của khuyến nông.

Các kết quả trung gian

  1. Trung tâm khuyến nông/ Trạm khuyến nông lồng ghép PTD (Phát triển kĩ thuật có sự tham gia) trong công tác khuyến nông thường xuyên.
  2. Các tổ chức đoàn thể tham gia tích cực vào mạng lưới hỗ trợ khuyến nông và hỗ trợ/ khuyến khích việc sử dụng các phương pháp khuyến nông có sự tham gia.

Kết quả đạt được

Trong giai đoạn I, các đối tác của chương trình, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ) và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (TP.HCM) đã tổ chức các khóa tập huấn và hướng dẫn, kèm cặp. Từ năm 2011, chúng tôi trực tiếp hợp tác với các tỉnh địa phương, và cán bộ phụ trách các tỉnh là cán bộ thuộc hai Viện với vai trò tư vấn và liên lạc với các tỉnh.

Lúc đầu, chúng tôi đã tập trung tập huấn cho các cán bộ khuyến nông, nhưng từ năm 2009, chúng tôi đào tạo đội ngũ giảng viên nòng cốt ở mỗi tỉnh. Giai đoạn 2009 - 2010, 26 giảng viên ToT (Đào tạo giảng viên) được tập huấn, và sau đó những giảng viên này thực hiện việc đào tạo lại cho những giảng viên trẻ, cán bộ khuyến nông, cán bộ Hội Nông dân và Hội Phụ nữ. Đối với các khóa tập huấn, chúng tôi xây dựng tài liệu – từ những nội dung về các phương pháp phát triển kỹ thuật có sự tham gia tới những nội dung gắn với câu lạc bộ nông dân (điều hành, quản lý câu lạc bộ, thử nghiệm, vv…). Trong giai đoạn 2008-2012, có hơn 4.000 lượt học viên tham gia là thành viên Câu lạc bộ, cán bộ khuyến nông, cán bộ đoàn thể. Các câu lạc bộ và cán bộ khuyến nông (186 học viên tham gia năm 2011) được tập huấn về lập kế hoạch khuyến nông có sự tham gia và do đó việc lập kế hoạch của nông dân tương đối gần với định hướng của nhà nước và dựa vào nội lực và nhu cầu của địa phương.

Cũng trong giai đoạn này, 66 Câu lạc bộ nông dân tham gia dự án theo hướng tiếp cận từ dưới lên: câu lạc bộ và cán bộ khuyến nông trao đổi thông tin theo cách tiếp cận có sự tham gia. Trong giai đoạn II, có thêm 28 câu lạc bộ nông dân được thành lập mới ở Bình Phước (15 Câu lạc bộ) và Bà Rịa-Vũng Tàu (13 Câu lạc bộ). Theo cách tiếp cận khuyến nông có sự tham gia, 427 thử nghiệm được thực hiện tại các câu lạc bộ nông dân (254 thử nghiệm trong giai đoạn 2008-2010, 131 thử nghiệm trong năm 2011 và 42 thử nghiệm trong năm 2012).

Trong khi các câu lạc bộ và cán bộ khuyến nông được huấn luyện có đủ kỹ năng tham gia vào việc xây dựng kế hoạch dựa theo nhu cầu, thì chương trình hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông nhằm đảm bảo cách tiếp cận có sự tham gia là một phần trong các hoạt động khuyến nông.

Ở cấp cao hơn (cấp quản lý là TTKN và Sở NN&PTNT), chúng tôi vận động các tỉnh dành thời gian và các phương tiện cần thiết cho việc áp dụng các phương pháp có sự tham gia và xem xét nhu cầu của nông dân trong quá trình lập kế hoạch. Những hoạt động lập kế hoạch được thực hiện thông qua các cuộc họp/hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Sở NN&PTNT, TTKN, cán bộ khuyến nông chủ chốt, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ.

Từ những cuộc họp gần đây với các tỉnh và từ những câu chuyện kể lại trong cuốn sách này, Chương trình thấy rõ sự ủng hộ của Sở NN&PTNT và TTKN đã lồng ghép và đã có kế hoạch áp dụng cách tiếp cận này, và các tổ chức đoàn thể tham gia tích cực hơn trong hệ thống khuyến nông. Điều này khiến Chương trình hi vọng rằng việc thể chế hóa phần nào có thể đạt được và sẽ đạt được trong một tương lai gần.

Song song với việc thành lập đội ngũ giảng viên nòng cốt cấp tỉnh và những câu chuyện về sự thay đổi từ cán bộ khuyến nông, câu lạc bộ nông dân và thành viên câu lạc bộ đã cho thấy rằng Chương trình PAEX đã có tác động tích cực và có những đóng góp mang tính bền vững giúp cải thiện cuộc sống của người nông dân ở phía Nam Việt Nam.

Cuốn sách – Câu chuyện thành công và những bài học hay của PAEX

Cuốn sách này dành cho những bạn đọc quan tâm tới hoạt động khuyến nông Việt Nam. Sách viết về những bài học hay của năm tỉnh tham gia Chương trình PAEX, và để có được cuốn sách này là nhờ sự lao động nghiêm túc, sự kiên nhẫn, và từ những kinh nghiệm chia sẻ quý báu của các thành viên tham gia Hội thảo Đánh giá tuyến tác động và thay đổi có ý nghĩa nhất của Chương trình PAEX (cuối năm 2009), kinh nghiệm thực địa của cán bộ khuyến nông, những câu lạc bộ nông dân, cũng như đội ngũ giảng viên ToT. Bốn mươi hai tác giả đóng góp bài viết cho cuốn sách này và nhóm công tác tư vấn kỹ thuật đã cùng phối hợp chặt chẽ với nhóm biên tập và xuất bản.

Cuốn sách này gồm có ba nội dung chính. Phần thứ nhất gồm 10 bài viết về việc áp dụng cũng như tác động của phương pháp Phát triển kỹ thuật có sự tham gia (PTD) và kinh nghiệm chia sẻ về việc thể chế hóa phương pháp này trong hoạt động khuyến nông ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Phần hai của cuốn sách có nội dung nhiều nhất. Phần này gồm những bài viết về kiến thức của địa phương, cách làm của câu lạc bộ nông dân tại năm tỉnh tham gia Chương trình PAEX, cụ thể như kinh nghiệm quản lý câu lạc bộ, sự đi lên của các câu lạc bộ Khmer, câu lạc bộ nữ, những sáng kiến của câu lạc bộ nông dân. Phần này có 34 bài viết của các giảng viên ToT, cán bộ khuyến nông, cán bộ phụ trách các tỉnh và câu lạc bộ nông dân.

Phần ba tập hợp bảy bài viết về những thay đổi và tác động của hoạt động nâng cao năng lực và đào tạo tới cán bộ khuyến nông cũng như giảng viên ToT, và một bài viết về kinh nghiệm phát triển tài liệu ở Chương trình PAEX.
Phần phụ lục gồm danh sách những thành viên và các bên tham gia Chương trình PAEX, từ tổ chức VVOB, Chương trình PAEX, Viện KHKTNN MN, Khoa Phát triển Nông thôn (Đại học Cần Thơ), Sở NN&PTNT và TTKN, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu, các Trạm Khuyến nông, đọi ngũ giảng viên ToT và câu lạc bộ nông dân.

Ngoài ra còn một số hình ảnh trong năm hoạt động của Chương trình (Chương trình PAEX những ngày khởi động ban đầu, câu lạc bộ nông dân, hoạt động nâng cao năng lực và việc áp dụng các phương pháp khuyến nông có sự tham gia).

Những bài viết này được đăng tải trên trang thông tin của Tổ chức VVOB Việt Nam www.vvob.be/vietnam. Tuy nhiên do nhiều nông dân và một số bạn đọc không có điều kiện tiếp cận máy tính, chúng tôi quyết định xuất bản cuốn sách này và gửi tới các tỉnh tham gia Chương trình PAEX. Chương trình hi vọng rằng những cách làm hay và câu chuyện thành công này sẽ được giới thiệu rộng rãi tới những câu lạc bộ nông dân khác ở những khu vực còn đang gặp khó khăn.

Một điều chắc chắn rằng cuốn sách này sẽ giúp các bên tham gia Chương trình và những bạn đọc quan tâm nhìn lại những câu chuyện thành công và cách làm hay của Chương trình. Tuy nhiên, hi vọng chính của chúng tôi là tạo niềm cảm hứng cho bạn đọc và cùng đóng góp giúp cải thiện hơn nữa hệ thống khuyến nông ở Việt Nam.

 
TS. Wilfried Theunis
Giám đốc Chương trình Quốc gia VVOB