Bạn đang ở đây

07/03/2022

Ngay ở tuổi mầm non, trẻ đã bắt đầu hình thành các mong muốn nghề nghiệp khi trưởng thành cũng như có xu hướng “loại bỏ” các ước mơ nghề nghiệp không phù hợp với các khuôn mẫu giới  ở môi trường trẻ sinh sống (Struthers, 2015). Đặc biệt đối với  các bé gái, những câu nói  như “con gái thì không làm kĩ sư” hay “con gái thì không chơi ở góc xây dựng” v.v. sẽ khiến nhiều bé gái  thiếu tập trung vào các môn khoa học trong chương trình giáo dục phổ thông, và hơn nữa là rất ít bé gái vượt qua được các định kiến giới để theo đuổi những ngành học liên quan đến khoa học, kĩ thuật, công nghệ, và toán học (viết tắt là STEM) ( Cavuslu, 2021).

Hiểu được vấn đề này, các dự án của VVOB đang được triển khai tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới luôn quan tâm và lồng ghép các thực hành đáp ứng giới trong hệ thống giáo dục ở các cấp học khác nhau. Chúng tôi xin chia sẻ ở đây một số thực hành đáp ứng giới mà các thầy cô có thể dễ dàng áp dụng nhằm gỡ bỏ các định kiến giới ngay trong trường mầm non.

Tạo môi trường trang trí mang tính đáp ứng giới

Chúng ta có thể quan sát các tranh ảnh và từ ngữ trang trí tại trường lớp, hình ảnh của các học liệu và suy ngẫm liệu các hình ảnh này đã tạo sự cân bằng và cảm hứng nghề nghiệp cho cả bé trai và bé gái hay chưa? Một dấu hiệu khuôn mẫu giới thường thấy là các hình ảnh nhân vật chỉ theo một khuôn mẫu như góc xây dựng chỉ có “chú kỹ sư”, góc nhập vai chỉ có các cầu thủ bóng đá nam, và góc nấu ăn chỉ có “cô đầu bếp” … Việc thay đổi các hình ảnh và từ ngữ trang trí thoát khỏi các khuôn mẫu này bằng cách đa dạng các nhân vật trang trí có cả nhân vật nam và nữ sẽ bước đầu mang đến những hiệu quả tích cực cho việc học của bé tại trường mầm non, cũng như giúp bé thoát khỏi những khuôn mẫu giới trong giai đoạn này điển hình như việc “cả trẻ trai và trẻ gái đã có thể mạnh dạn hơn trong việc lựu chọn các góc chơi, và hoạt động mà mình yêu thích” – theo chia sẻ của cô Nhi – giáo viên trường mầm non Trà Phong, tỉnh Quảng Ngãi.

Decorative images at the construction corner have both boys and girls

Sử dụng Ngôn ngữ đáp ứng giới trong tương tác với trẻ

Ngôn ngữ tương tác với trẻ trong lớp đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động học tập mà không còn sự phân biệt vai trò giữa nam và nữ. Ví dụ như thay vì  hỏi trẻ “ bạn nào muốn làm chú thợ xây?”, các thầy cô có thể dùng những từ ngữ hoặc cách nói trung lập về giới tính để hỏi chung cả nhóm trẻ như “ bạn nào muốn chơi ở góc xây dựng nào?” – đây cũng là cách mà cô Tài – một giáo viên mầm non ở tỉnh Quảng Nam đã áp dụng thành công trong việc mời gọi cả bé trai và bé gái mạnh dạn tham gia góc chơi mình mong muốn mà không gặp các cản trở về định kiến giới.

Bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng một thế giới phát triển bền vững, trong đó các bé gái được tự do theo đuổi ngành học và nghề nghiệp mơ ước của bản thân mà không gặp phải các định kiến về giới. Nhân dịp ngày 8 tháng 3 – một ngày đánh dấu cho các sự kiện lịch sử mang đến bình quyền cho nữ giới, VVOB thân chúc mọi ước mơ nghề nghiệp của tất cả các chị em phụ nữ và các bé gái  đều được chắp cánh và sớm trở thành hiện thực.

Để tìm hiểu thêm về chủ đề “đáp ứng giới trong giáo dục mầm non”, các thầy cô có thể tải về bộ tài liệu “ Học thông qua chơi có đáp ứng giới” tại đường dẫn: https://vietnam.vvob.org/vi/resources/bo-tai-lieu-huong-dan-hoc-thong-qu...

Tài liệu tham khảo:

Cavuslu. E(2021). Happy International Day of Women and Girls in Science. https://europa.eu/capacity4dev/education-and-development/discussions/hap...

Struthers.K (2015). Getting in early to avoid gender stereotyping careers. https://theconversation.com/getting-in-early-to-avoid-gender-stereotypin...