Bạn đang ở đây

20/11/2022

Giới thiệu

Trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Việt Nam chuyển sang chương trình giảng dạy tập trung phát triển năng lực, phẩm chất cho người học, VVOB đã sẵn sàng hỗ trợ lồng ghép Học thông qua Chơi (HTQC) vào từng lớp học tiểu học trên cả nước. Thông qua dự án “Lồng ghép các hoạt động Học thông qua Chơi cho học sinh Việt Nam (gọi tắt là iPLAY) – được hỗ trợ bởi Quỹ LEGO – VVOB đã và đang hợp tác chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và các đối tác cấp tỉnh để đưa HTQC vào  phát triển chuyên môn cho giáo viên của Việt Nam, thúc đẩy việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hình 1: Minh họa lộ trình phát triển chuyên môn về Học thông qua Chơi. Bởi: VVOB 

Phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm 2018, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai chương trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, mở rộng đáng kể chương trình giảng dạy bắt buộc trên khắp cả nước. Theo định nghĩa của UNESCO, chương trình giảng dạy dựa trên năng lực không chỉ nhấn mạnh vào những gì học sinh được kỳ vọng được biết mà còn cả những gì học sinh được kỳ vọng sẽ làm được. Chương trình giảng dạy dựa trên năng lực được thiết kế lấy người học làm trung tâm và có thể thích ứng với nhu cầu thay đổi của học sinh, giáo viên và xã hội. Học sinh học cách áp dụng kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để nắm bắt cơ hội và giải quyết những thách thức gặp phải hàng ngày.

 

“Ngay cả với những thay đổi kinh tế do quá trình công nghiệp hóa, phương pháp giáo dục truyền thống củaViệt Nam vẫn coi trọng kết quả học tập, nghĩa là trước đây, các hoạt động trên lớp lấy giáo viên làm trung tâm và tập trung vào kiến thức,” Bà Hà Thị Thu Hương, Quản lý giáo dục, Tổ chức VVOB tại Việt Nam, giải thích “Xã hội Việt Nam thường quan niệm rằng hệ thống giáo dục nên tập trung vào việc ghi nhớ kiến thức, nhưng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới dựa trên năng lực đã thay đổi tư duy trong giảng dạy, chuyển đổi từ giáo dục dựa trên kiến thức thành một hệ thống giáo dục giúp hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực, hài hoà về thể chất và tinh thần cho học sinh. Điều này đòi hỏi giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tăng cường vận dụng kiến thức, kĩ năng giải quyết vấn đề vào thực tiễn cho học sinh .”

 

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của ngành giáo dục, Tổ chức VVOB tại Việt Nam (VVOB Việt Nam) đã và đang thực hiện dự án iPLAY để lồng ghép HTQC vào giáo dục tiểu học. Triển khai lồng ghép HTQC trong giáo dục tiểu học lúc này rất phù hợp với bối cảnh và thời điểm Bộ GD&ĐT chuyển đổi sang chương trình giáo dục hướng tới hình thành và phát triển năng lực người học. HTQC cũng hỗ trợ triển khai Chương trình GDPT 2018 thông qua việc nhấn mạnh vào các phương pháp giảng dạy đổi mới, khuyến khích sự chủ động và tích cực của học sinh trong học tập, và Chương trình GDPT 2018 . “Bộ GD&ĐT nhận định dự án iPLAY đã được thực hiện đúng thời điểm, với các công cụ phù hợp với chương trình giáo dục dựa trên năng lực”, bà Hương chia sẻ.

 

Áp dụng HTQC vào lớp học giúp thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển năng lực cho học sinh trong chương trình GDPT mới của Việt Nam. Ông Nguyễn Bảo Châu, Điều phối viên dự án iPLAY, Tổ chức VVOB tại Việt Nam, giải thích: “Học thông qua Chơi có thể giúp giáo viên tạo ra một môi trường học tập vui tươi và dễ tiếp cận, nơi học sinh có thể vừa vui chơi vừa học tập tốt hơn. Những yếu tố trên sẽ hỗ trợ giáo viên thúc đẩy tính tự chủ của học sinh. Đây là một điều khá mới mẻ so với môi trường trường học truyền thống tại Việt Nam.”

 

Theo VVOB, dự án iPLAY xác định nội dung giáo dục nền tảng cũng như các năng lực chính mà học sinh phải hình thành, trau dồi và phát triển.

The General Education Program aims to form 5 qualities and 10 core competencies for students.  Source: Vietnam Ministry of Education and Training

Hình 2: 5 phẩm chất và 10 năng lực cho học sinh theo mục tiêu của chương trình Giáo dục Phổ thông mới

 

Các hoạt động HTQC có thể thúc đẩy sự phát triển kỹ năng của học sinh. Ví dụ, "nhảy lò cò trên giấy" là một hoạt động do một giáo viên ở tỉnh Hà Giang thiết kế nhằm khuyến khích tính tích cực trong lớp học và cho phép học sinh thực hành kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo, giao tiếp và các kỹ năng cơ bản khác. Trong hoạt động này, học sinh học phép nhân với số 8. Giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ gồm bốn học sinh, để các em cùng nhau giải các bài tập toán khác nhau. Đầu tiên, học sinh tung xúc xắc để chọn 1 trong 4 bài toán. Tiếp đó, các em cùng làm việc theo nhóm để giải bài toán và tô màu vào phiếu trả lời được trang trí hình cây nấm có nhiều ô. Hoạt động nhóm này khuyến khích học sinh có nhiều tương tác xã hội hơn, có cơ hội trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp khi hợp tác với nhau. Các em cũng có thể học những cách làm toán mới khi trao đổi kết quả với bạn bè của mình.

Ảnh: Nhảy lò cò trên giấy, một hoạt động Học thông qua Chơi do giáo viên thiết kế.

Thông qua sự tham gia tích cực, các hoạt động HTQC không chỉ giúp học sinh những kiến thức cơ bản mà còn có thể tăng cường các kỹ năng xã hội thông qua tương tác với những học sinh khác. Hoạt động chơi cũng cho phép giáo viên hình thành các kết nối có ý nghĩa với học sinh của mình khi các em cộng tác để giải quyết vấn đề, thử những ý tưởng mới và khám phá những điều mới. Giáo viên có thể nuôi dưỡng tình yêu học tập lâu dài cho học sinh bằng cách kích thích trí tò mò và tổ chức nhiều hoạt động thực hành.

 

VVOB Việt Nam tin rằng, giáo viên, lãnh đạo nhà trường và những bên có trách nhiệm sẽ nhận ra lợi ích và vai trò quan trọng của HTQC đối với cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên. “HTQC cho phép học sinh tận hưởng bài học đồng thời phát triển toàn diện,” Ông Châu bổ sung.

Hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Để hướng dẫn cho giáo viên cách áp dụng HTQC và đưa HTQC vào hệ thống giáo dục, VVOB Việt Nam hợp tác chiến lược với Bộ GD&ĐT để tổ chức các khóa tập huấn phát triển chuyên môn cho giáo viên. Hợp tác với Bộ GD&ĐT là cơ sở để VVOB có thể hỗ trợ  các giáo viên và nhà trường, nhân rộng hướng tiếp cận HTQC và có sự hỗ trợ, chỉ đạo chuyên môn từ cấp trung ương trong khiển khai.

 

“Thông qua các khóa tập huấn, chúng tôi cung cấp cho giáo viên các nguyên tắc và kỹ thuật áp dụng HTQC vào trong trường học,” Bà Hương giải thích.

 

Từ tháng 8/2021, VVOB Việt Nam đã tổ chức các khóa tập huấn cho hơn 6.200 cán bộ quản lý trường học, giáo viên cốt cán và gần 240 cán bộ Sở và Phòng GD&ĐT tại 8 tỉnh/thành dự án về HTQC và lợi ích của HTQC đối với giáo viên và học sinh. Khóa tập huấn HTQC – kết hợp với các hình thức bồi dưỡng chuyên môn giáo viên như học tập từ đồng nghiệp, khóa học trực tuyến cá nhân hóa dành cho giáo viên và lãnh đạo trường học, hỗ trợ chuyên môn, suy ngẫm và phản hồi – đã cung cấp cho giáo viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các phương pháp sư phạm đổi mới trong lớp học. Sau khi lãnh đạo nhà trường và giáo viên cốt cán tham dự các khóa học HTQC của VVOB, họ sẽ tổ chức tập huấn nhân rộng cho tất cả các giáo viên khác trong trường. Kết quả, đã có hơn 200.000 giáo viên đã được tập huấn về HTQC. VVOB Việt Nam cũng đã tổ chức thành công 9 khóa tập huấn cho khoảng 700 cán bộ giáo dục cấp tỉnh.

Những bước đi tiếp theo

Dự án iPLAY của VVOB là một trong một số sáng kiến dành riêng cho từng quốc gia được tài trợ bởi Chương trình thúc đẩy Học thông qua Chơi của Quỹ LEGO, nhằm mục đích nhân rộng một cách có hệ thống việc áp dụng HTQC vào giáo dục tiểu học thông qua phát triển chuyên môn giáo viên. Với sáng kiến này, giáo viên được tập huấn và hỗ trợ áp dụng HTQC vào lớp học.

Trong thời gian tới, để triển khai HTQC trên quy mô toàn quốc, VVOB Việt Nam đang xây dựng khóa học trực tuyến về HTQC để cho phép tiếp cận nhiều giáo viên chưa được tập huấn. Khóa học trực tuyến này sẽ trang bị những kiến thức và kỹ thuật cần thiết để giáo viên Việt Nam áp dụng HTQC trong lớp học. VVOB cũng sẽ cung cấp các video minh họa tiết học và kế hoạch bài dạy áp dụng HTQC.

Vui lòng xem thêm thông tin về dự án iPLAY tại đây

Dự án được hỗ trợ bởi Quỹ LEGO.

 

Bài viết được chấp bút bởi hai tác giả Ruth Namara và Jamie Lonie từ Unbounded Associates, và được biên tập bởi Kate Anderson từ Unbounded Associates và Jamie Farschi từ Quỹ LEGO.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn VVOB Việt Nam vì những ý kiến đóng góp quý báu.