Bạn đang ở đây

Giáo viên và cán bộ quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ các rào cản ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ mầm non, đặc biệt là những trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS), nhờ đó mà cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ trong các giờ học sẽ được nâng cao. Trẻ DTTS có thể phải trải nghiệm các rào cản về mặt ngôn ngữ trong môi trường lớp học qua đồ dùng dạy học, cách thức tổ chức hoạt động và các tương tác hàng ngày, trải nghiệm sự khác biệt giữa văn hóa gia đình và trường học. Thông qua việc cải thiện kiến thức và kỹ năng nhằm tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ, hỗ trợ và tôn trọng sự đa dạng về bản sắc dân tộc trong lớp học, giáo viên có thể thực hiện những bước đáng kể trong việc đảm bảo rằng tất cả mọi trẻ đều được phát triển tối đa tiềm năng của mình.

Ngôn ngữ là một phần quan trọng của văn hóa và góp phần tạo nên bản sắc của trẻ. Trẻ nói song ngữ không chỉ là học ngôn ngữ mới mà còn học một văn hóa mới
Chia sẻ của một cô giáo, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi

Đây là một tài liệu tham khảo hữu ích cho mọi giáo viên, giúp giáo viên có hiểu biết sâu hơn về quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ trong bối cảnh đơn ngữ cũng như đa ngữ. Tài liệu này hỗ trợ giáo viên áp dụng những bước đầu tiên trong quá trình xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ và tương tác, đồng thời vẫn luôn tôn trọng ngôn ngữ và những giá trị văn hóa riêng của trẻ, phù hợp với phương pháp lấy trẻ làm trung tâm và học thông qua chơi. Bằng cách đó, tài liệu cũng bổ sung thêm cho hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo (GDDT) cũng như Sở GDDT về việc thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”cũng như định hướng của chương trình giáo dục mầm non mới, mà ở đó  giáo viên và nhà trường có nhiều cơ hội để thiết kế và điều chỉnh chương trình giảng dạy và khuyến khích giáo viên đưa bối cảnh địa phương vào trong môi trường lớp học.

Nội dung của tài liệu này đã được phát triển với sự tham gia và được thử nghiệm bởi giáo viên, cán bộ quản lý, chuyên viên Phòng và Sở Giáo dục và đào tạo các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, và Quảng Ngãi trong chương trình dự án ‘Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống tại Miền Trung Việt Nam’ (2017 – 2021) của tổ chức VVOB – Giáo dục vì sự phát triển.

Ngoài ra, đại diện các tổ chức đối tác của VVOB, bà Veerle Boelen (Tổ chức Tư vấn Sư phạm Vương quốc Bỉ - CEF), bà Kirsten Schraeyen (Trường Đại học Thomas More Vương quốc Bỉ) và Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã có những đóng góp quý giá về kiến thức, kinh nghiệm quốc tế và truyền cảm hứng để hoàn thiện cuốn tài liệu.

Xin trân trọng cảm ơn các đơn vị, cá nhân đã tham gia và đóng góp để hoàn thiện cuốn tài liệu này.